Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học, Trường Đại học Vinh đã đạt được những kết quả về mọi phương diện. Quy mô đào tạo ở các bậc học ngày càng được mở rộng, kỷ cương nề nếp được thiết lập và duy trì, đội ngũ cán bộ được nâng cao về trình độ đào tạo, cơ sở vật chất được tăng cường, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và quan hệ đối ngoại đã có những tiến bộ đáng kể, chất lượng đào tạo và vị thế của Nhà trường đối với địa phương, ngành, với xã hội được khẳng định.
Đặc biệt, Trường Đại học Vinh đã đẩy mạnh phong trào sinh viên NCKH nhằm kích thích sinh viên tự học, tự nghiên cứu, và tạo ra những hạt nhân tốt cho hoạt động giảng dạy và học tập. Nhà trường đã coi hoạt động NCKH của sinh viên là một bộ phận quan trọng trong giảng dạy và học tập. Từ chủ trương chung của Đảng uỷ, Ban giám hiệu Nhà trường, hoạt động NCKH của sinh viên được Phòng Quản lý Khoa học và Thiết bị, hội đồng khoa học và đào tạo của các khoa cũng như các tổ chức trong trường quan tâm thường xuyên, khơi dậy nguồn sáng tạo, đam mê NCKH của sinh viên, hướng các sinh viên đến những đề tài mang tính thực tiễn cao để khoa học thực sự đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả kinh tế, tránh lãng phí. Nhà trường đã xác định, cũng như tiêu chí đánh giá đối với giảng viên, kết quả NCKH của sinh viên là tiêu chí quan trọng để xếp loại điểm rèn luyện và đánh giá năng lực của họ.
Từ 1990 trở lại đây, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện xét tặng giải thưởng "Sinh viên NCKH", công tác NCKH của sinh viên Trường Đại học Vinh đạt được những kết quả nổi bật như sau:
- Tổng số công trình NCKH của sinh viên đạt giải: 67 công trình, trong đó (giải Nhất: 05 công trình, giải Nhì: 14 công trình, giải Ba: 23 công trình và giải Khuyến khích: 54 công trình).
- Hàng năm, Trường Đại học Vinh đều tổ chức hội nghị sinh viên NCKH cấp Trường và hội nghị sinh viên NCKH ở các đơn vị cấp Khoa.
- Nhiều công trình nghiên cứu của sinh viên bước đầu được công bố trên Tạp chí khoa học của Trường và Tạp chí khoa học chuyên ngành.
- Sinh viên có công trình NCKH được tặng giải thưởng sớm có điều kiện tiếp cận với khoa học và trưởng thành trong công tác. Nhiều sinh viên đã trở thành tiến sỹ, đang công tác ở các trường đại học, cao đẳng, học viện, viện nghiên cứu... nhiều sinh viên khác nay đã đạt học vị thạc sỹ, đang có nhiều triển vọng trong hoạt động khoa học.
- Cán bộ hướng dẫn sinh viên NCKH được giải thưởng có điều kiện tốt để hoàn thành các công trình khoa học của mình và sớm được phong hàm chức danh khoa học. Có 05 cán bộ giảng dạy của Nhà trường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng từ năm 1989 đến nay: GS.TS. Nguyễn Quốc Thi, PGS.TS. Lê Quốc Hán, GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên, TS. Phan Huy Dũng, TS. Trần Đình Thắng vì thành tích hướng dẫn sinh viên đạt giải nhất (Nguyễn Thị Hồng Loan (năm 1995), Hoàng Thị Thuỷ (năm 1997), Lê Thị Trang (năm 2000), Đặng Hoàng Oanh (2008), Nguyễn Thị Lương Thiện (2008).
- Hoạt động NCKH của sinh viên Trường Đại học Vinh đã tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào hoạt động của Đoàn thanh niên, tạo nên "sân chơi" bổ ích cho thanh niên.
Ngoài việc tổ chức quản lý hoạt động sinh viên NCKH của Nhà trường thì vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội sinh viên Nhà trường cũng đã góp phần quan trọng. Dưới sự hướng dẫn của Hội đồng khoa học, các Liên chi đoàn và Liên chi hội sinh viên ở các khoa chuyên ngành đã xuất bản định kỳ Tập san khoa học, thuộc các lĩnh vực: Toán, Lý, Văn, Công nghệ thông tin, Lịch sử, Sinh vật, Giáo dục Chính trị, Ngoại ngữ (Anh và Pháp), Sau đại học... Đây là một trong những hoạt động khoa học bổ ích và lý thú đối với sinh viên, có tác dụng tốt trong việc động viên khuyến khích sinh viên học giỏi, phát hiện được tài năng kịp thời...
- Trường Đại học Vinh đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và phần thưởng vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác NCKH của sinh viên trong những năm 1996, 1999, 2000, 2001, 2003, 2004, 2006, 2008.
- Xác định rõ mục đích, yêu cầu cũng như nội dung và hình thức NCKH của sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, sau 19 năm thực hiện công tác xét giải thưởng "Sinh viên NCKH", từ thực tiễn của Trường Đại học Vinh, để đẩy mạnh hoạt động NCKH của sinh viên, đóng góp cho việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ sinh viên, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng tôi nhận thấy nên tập trung vào chủ trương, giải pháp về mặt chỉ đạo, kinh phí, cơ sở vật chất, cán bộ hướng dẫn, chế độ chính sách như sau:
- Thứ nhất, cần có kế hoạch sinh viên NCKH từ đầu khoá học, không lệ thuộc vào kết quả của luận văn tốt nghiệp, cần thực hiện những chủ trương để sớm phát hiện tài năng trong sinh viên, nhằm bồi dưỡng và tạo nguồn để họ trở thành cán bộ giảng dạy, cán bộ chủ chốt trong các cơ quan xí nghiệp...;
- Thứ hai, tổ chức những lớp sinh viên tài năng (với những khoa có điều kiện) hoặc phát hiện sớm những sinh viên có năng lực;
- Thứ ba, phân công cán bộ hướng dẫn phải là người đang thực sự tham gia các hoạt động NCKH có kết quả và lựa chọn đề tài thích hợp, tạo điều kiện để giáo viên hướng dẫn chủ động thực hiện những định hướng của mình trong việc bồi dưỡng sinh viên. Trong quá trình hướng dẫn sinh viên NCKH, người thầy giáo cũng sẽ đồng thời tự mình phải làm việc, phải NCKH. Ngược lại, sinh viên NCKH sẽ hỗ trợ cho thầy giáo, tạo nên một tập thể hoạt động khoa học có hiệu quả trong Nhà trường;
- Thứ tư, dựa vào Đoàn thanh niên, kết hợp hoạt động cả bề nổi lẫn chiều sâu; hàng năm Hội đồng khoa học và đào tạo của các khoa kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội sinh viên tổ chức các hội nghị sinh viên NCKH của từng khoa, sau đó lựa chọn những báo cáo có chất lượng tham gia Hội nghị sinh viên NCKH cấp trường.
- Thứ năm, hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cơ sở vật chất cho những công trình có khả năng được giải;
- Thứ sáu, phải có chính sách kịp thời và khen thưởng đối với cả thầy và trò trong hoạt động NCKH.
Với những kết quả khởi sắc đã đạt được trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hy vọng rằng trong những năm tiếp theo, hoạt động NCKH của sinh viên Trường Đại học Vinh, đặc biệt là sinh viên các năm thứ hai và thứ ba sẽ có nhiều tiến bộ hơn, sẽ có nhiều đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn, được nhận đăng tại Tạp chí khoa học của trường hoặc các Tạp chí khoa học chuyên ngành.
Phòng QLKH-TB
Tonghop-Giaithuong-SV_092104100933.doc