Nghiên cứu thực tiễn (action research) là một công cụ phát triển nghề nghiệp cho giáo viên tiếng Anh đã được phổ biến trên thế giới và được Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 chọn là một trong những trọng tâm trong công tác bồi dưỡng giáo viên và đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh của Việt Nam. Nghiên cứu thực tiễn là một cách để mỗi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy của riêng mình bằng cách thử một giải pháp mới, đánh giá kết quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh và áp dụng lại vào thực tế. Mục đích chính của nghiên cứu thực tiễn là giúp giáo viên tự đổi mới phương pháp, từ đó nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Đại sứ quán Hoa Kỳ hiện đang tài trợ cho một dự án phát triển nghề nghiệp cho giáo viên Tiếng Anh do Chuyên gia Anh ngữ Cao cấp Jill Kester, hiện đang làm việc tại Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, đề xuất. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực tự phát triển nghề nghiệp cho giáo viên tiếng Anh thông qua học cách sử dụng một công cụ hữu hiệu là nghiên cứu thực tiễn giảng dạy của bản thân. Dự án được chia làm bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1: Hội thảo - tập huấn về phương pháp nghiên cứu thực tiễn giảng dạy tiếng Anh: Giới thiệu một số dự án nghiên cứu thực tiễn mẫu do các giáo viên tiếng Anh của Việt Nam đã thực hiện; Hướng dẫn về phương pháp nghiên cứu thực tiễn: mục đích, các hợp phần, các bước thực hiện; Lựa chọn các giáo viên sẽ tham gia thực hiện nghiên cứu thực tiễn trong giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Triển khai nghiên cứu thực tiễn: Các giáo viên được chọn thực hiện một dự án nghiên cứu thực tiễn quy mô nhỏ cùng với người hướng dẫn, trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 tuần. Các giáo viên thực hiện nghiên cứu được hướng dẫn cụ thể và có cơ hội nhận được tài trợ để thuyết trình về kết quả nghiên cứu tại một hội thảo ở Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á.
Giai đoạn 3: Tập huấn các kỹ năng thuyết trình tại hội thảo: Tập huấn kỹ năng chuẩn bị bài thuyết trình, cách viết tóm tắt tham luận và tiểu sử tóm tắt, tiểu sử khoa học bằng tiếng Anh.
Giai đoạn 4: Hội thảo tổng kết: Trình bày các kết quả nghiên cứu ở giai đoạn 2 cho các đại biểu tham dự hội thảo. Đại biểu tham dự ở giai đoạn này sẽ có một tỷ lệ là đại biểu mới so với giai đoạn 1 với hy vọng họ sẽ được học và triển khai các dự án nghiên cứu thực tiễn của riêng mình.
Dự án dự kiến được triển khai tại một số trường đại học và cao đẳng hiện có chuyên gia Anh ngữ của Hoa Kỳ đang làm việc, bao gồm: Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Hà Tĩnh và Trường Đại học Bạc Liêu.
Trong khuôn khổ của Dự án, trong các ngày 28 và 29 tháng 3 năm 2015, tại Trường Đại học Vinh đã diễn ra Hội thảo phương pháp nghiên cứu thực tiễn giảng dạy tiếng Anh.
Các diễn giả, giảng viên và người hướng dẫn nghiên cứu gồm: ThS. Jill Kester, chuyên gia Anh ngữ cao cấp Hoa Kỳ; ThS. Amy Jammeh, chuyên gia Anh ngữ Hoa Kỳ; ThS Vũ Thị Châu Sa, giảng viên Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; TS. Trần Bá Tiến, TS. Trần Thị Ngọc Yến, TS. Nguyễn Hữu Quyết, giảng viên Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh.
Trong 2 ngày hội thảo, 60 đại biểu tham dự, bao gồm các giảng viên tiếng Anh khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh và các giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Chuyên, Trường Đại học Vinh và các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đã được các diễn giả giới thiệu một số dự án nghiên cứu thực tiễn mẫu đã được các giáo viên tiếng Anh của Việt Nam thực hiện và hướng dẫn về phương pháp nghiên cứu thực tiễn, bao gồm mục đích, các hợp phần, các bước thực hiện. Một số giảng viên và giáo viên sẽ được lựa chọn tham gia thực hiện nghiên cứu thực tiễn trong giai đoạn 2.
Việc tổ chức chuỗi hội thảo, tập huấn về phương pháp nghiên cứu thực tiễn giảng dạy tiếng Anh là hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
 
 
Đinh Phan Khôi
Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế