Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Trường Đại học Vinh mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia các hiệp hội giáo dục có uy tín để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên đối tác. Một trong nhưng tổ chức giáo dục hàng đầu với 150 thành viên khắp các châu lục đó là Hiệp hội CDIO. Ngày 11/03/2018, đoàn công tác của Trường Đại học Vinh gồm 5 thành viên gồm PGS. TS. Ngô Đình Phương, Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Xuân Bình, Trưởng nhóm nghiên cứu CDIO, TS. Hoàng Hữu Việt, Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Công nghệ, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Phó Trưởng phòng Đào tạo và ThS. Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng KH&HTQT đã trình bày hồ sơ xin gia nhập Hiệp hội CDIO tại Đà Nẵng, đồng thời tham gia Hội nghị Vùng CDIO từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 03 năm 2018. Với nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá theo chuẩn CDIO và các chương trình hoạt động khác nhằm đổi mới giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Vinh đã được Hội đồng các thành viên CDIO quốc tế đánh giá cao. Sau khi xem xét hồ sơ năng lực và nghe trình bày quá trình áp dụng CDIO tại Trường Đại học Vinh, các thành viên của Hiệp hội CDIO đã chính thức chấp nhận Trường Đại học Vinh là  một trong ba thành viên mới của Hiệp hội vào ngày 14 tháng 3 năm 2018 (trong số 05 hồ sơ đăng kí thành viên).

Đây là một thành công đáng kể của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám Hiệu và 1042 cán bộ của Nhà trường. Sự ghi nhận của Hiệp hội CDIO là động lực cho Trường Đại học Vinh tiếp tục phấn đấu, phát triển và hội nhập quốc tế trong thời đại mới.


Ông Lê Ngọc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, Trưởng ban tổ chức Hội nghị


Bà Helene Leong, Lãnh đạo Châu Á, chủ trì buổi làm việc


PGS. TS. Ngô Đình Phương, Phó Hiệu trưởng, trình bày hồ sơ xin gia nhập Hiệp hội CDIO

 

CDIO là gì?

CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO ban đầu được đề xướng bởi các khối ngành kỹ thuật thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra (learning outcomes) để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học. Sau khi hình thành vào những năm 2000, CDIO trở thành một tiêu chuẩn được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng. Hiện tại, đã có 150 trường đại học trên thế giới là thành viên của tổ chức này, trong đó Việt Nam hiện có 06 trường gồm Đại học Quốc gia TP. HCM, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học FPT và Trường Đại học Vinh (theo cdio.org).

Người kỹ sư theo quan điểm CDIO

Chương trình đào tạo (cirriculum) theo CDIO được xây dựng một cách hợp lý, logic và khoa học để có thể chuyển hóa kiến thức thành các kỹ năng vận dụng được trong thực tiễn. Sự khác biệt quan trọng khi xây dựng chương trình đào tạo theo CDIO là việc lựa chọn chuẩn đầu ra (CĐR) dựa trên sự tham gia của các bên liên quan (stakeholders), đặc biệt là các bên khách quan như sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ quan quản lý.

Sự tham gia của các bên liên quan khi xây dựng CĐR

Sự khách quan trong việc xây dựng CĐR là điều kiện cơ bản để có thể đảm bảo đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Công việc tiếp theo là xây dựng một chương trình đạo tạo với đầy đủ các hướng dẫn, công cụ nhằm đạt CĐR đã định nghĩa. Với cách tiếp cận khoa học, hiện đại, đề cương CDIO bao gồm bốn (4) phần và được xây dựng phù hợp với các trụ cột giáo dục theo UNESCO, đó là:

1. Kiến thức và lập luận ngành (Technical Knowledge and Reasoning) - Học để biết (Learning to know);

2. Kỹ năng chuyên môn và phẩm chất cá nhân (Personal and Professional Skills and Attributes) - Học để trưởng thành (Learning to be);

3. Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp (Interpersonal Skills: Teamwork and Communication) - Học để chung sống (Learning to live together);

4. Hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội (Conceiving, Designing, Implementing and Operating Systems in the Enterprise and Societal Context) - Học để làm (Learning to do).

Một trong những điểm nổi bật khi áp dụng CDIO là chương trình đào tạo tích hợp (integrated cirriculum). Theo website chính thức của tổ chức CDIO, tầm nhìn của CDIO hướng tới việc: Tích hợp các kỹ năng nghề nghiệp như làm việc nhóm và giao tiếp; Đề cao việc học tập tích cực và qua trải nghiệm; Liên tục cải tiến thông qua quy trình đảm bảo chất lượng với mục tiêu cao; Làm phong phú khóa học với các dự án do sinh viên tự thiết kế – xây dựng và kiểm thử. Có thể hiểu, cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (gọi là năng lực C-D-I-O) và có ý thức trách nhiệm với xã hội.

Lợi ích khi áp dụng CDIO

Việc tiếp cận theo phương pháp CDIO sẽ đem lại các lợi ích sau:

– Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực;

– Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi;

– Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ;

– Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.

Áp dụng CDIO tại Trường Đại học Vinh

Vào tháng 10 năm 2015, Trường Đại học Vinh đã bắt đầu lên ý tưởng thực hiện chương trình đào tạo theo CDIO và tiến hành nghiên cứu sâu về CDIO. Ngày 08 tháng 3 năm 2016, sau khi nhận được sự tư vấn của các chuyên gia về CDIO, Trường Đại học Vinh đã thành lập Ban xây dựng đề án, nghiên cứu lý luận và chỉ đạo phát triển và phát triển chương trình đào tạo theo CDIO. Sau ba lần tổ chức tập huấn về CDIO và tham gia hội nghị Vùng CDIO tại Thái Lan, Trường Đại học Vinh đã công bố chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra vào tháng 4 năm 2017. Được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là các chuyên gia của Trường Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tổng hợp Uppsala (Thụy Điển), Trường Đại học Vinh đã bước đầu áp dụng chương trình đào tạo theo CDIO cho khóa 58.

Sau đây là sơ đồ quá trình chuẩn bị và gia nhập Hiệp hội CDIO của Trường Đại học  Vinh:


Sau đây là một số hình ảnh của Hội nghị Vùng CDIO Châu Á - Thái Bình Bương:



Lãnh đạo Trường Đại học Duy Tân, lãnh đạo Vùng CDIO và các báo cáo viên tại Hội nghị:







Hội chợ khoa học kỹ thuật tại Trường Đại học Duy Tân:





Đoàn công tác của Trường Đại học Vinh

Bài và ảnh: Nguyễn Hải