Mở đầu chuyến công tác, đoàn công tác của Trường Đại học Vinh đã tham dự buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vào chiều 28/5/2019 do Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chủ trì. Buổi làm việc là cơ hội để hai bộ giáo dục và các trường đại học Việt Nam đánh giá lại công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào trong những năm qua. Trong buổi làm việc, đại diện các trường đại học Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã trao đổi các nội dung liên quan đến công tác hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào. Đại diện hai bộ giáo dục đã làm rõ quy định về công tác tuyển sinh Lưu học sinh Lào, trong đó có nội dung đào tạo tiếng Việt theo chuẩn 6 bậc, Lưu học sinh phải đạt bậc 4 trước khi đăng ký học chuyên ngành (Công văn số 1912/BGDĐT-HTQT, ngày 06/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 30 và một số yêu cầu về công tác tiếp nhận Lưu học sinh nước ngoài vào học tại Việt Nam).

Sáng ngày 29/5/2019, Diễn đàn Giáo dục Việt Nam được tổ chức tại Trường Đại học Quốc gia Lào. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; Thứ trưởng Khanthaly SILIPHONGPHANH, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; GS. TS. Somsy GNOPHANXAY, quyền Giám đốc Đại học Quốc gia Lào và đại diện 60 cơ sở giáo dục Việt Nam. Lãnh đạo hai bộ giáo dục đã khẳng định tầm quan trọng trong công tác hợp tác giáo dục và đánh giá cao nền giáo dục Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam đã đóng góp rất lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào. Nguồn nhân lực sau khi đào tạo tại Việt Nam phần lớn giữ vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nội dung chính của Diễn đàn tập trung quảng bá giáo dục Việt Nam, các cơ chế chính sách của Việt Nam dành cho lưu học sinh Lào và một số quy định quan trọng đối với Lưu học sinh Lào khi đăng ký học tại các trường đại học Việt Nam.

Cũng trong ngày 29/5/2019, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trưng bày chương trình giáo dục và đào tạo của mình tại khuôn viên Trường đại học Quốc gia Lào. Mỗi cơ sở giáo dục bố trí một gian hàng trưng bày với diện tích 9m2. Trường Đại học Vinh mang đến buổi trưng bày cẩm nang giới thiệu trường, video và các ấn phẩm khác nhằm giới thiệu Trường Đại học Vinh nói chung, chương trình đào tạo, các chính sách Nhà trường dành cho Lưu học sinh Lào. Đã có rất nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh đến thăm gian hàng của Trường Đại học Vinh, đặc biệt có sự tham gia của đoàn của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại học Quốc gia Lào. Trường Đại học Vinh vinh dự được là một trong ba gian hàng được đoàn công tác cấp cao này tham quan và tìm hiểu và được đánh giá là một trong những trường đại học đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào tốt nhất cho đến nay. Trong buổi trưng bày, cán bộ Trường Đại học Vinh đã cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác về chương trình đào tạo, học bổng và hỗ trợ của Nhà trường dành cho LHS Lào.

Sau khi kết thúc Diễn đàn và triển lãm giáo dục Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn, đoàn công tác của Trường Đại học Vinh tiếp tục đến thăm và làm việc với 04 sở giáo dục và thể thao và 01 tỉnh đoàn của nước CHDCND Lào. Trong chương trình làm việc, đoàn công tác đã làm việc trực tiếp với các sở và tỉnh đoàn, sau đó đến thăm một số trường phổ thông để quảng bá tuyển sinh. Trong xu thế tự chủ đại học, hầu như tất cả các trường đại học Việt Nam đều tăng học phí đối với lưu học sinh nước ngoài, tuy nhiên, Trường Đại học Vinh vẫn cam kết thực hiện theo thỏa thuận đã kí kết với các sở và tỉnh đoàn Xiêng Khoảng, theo đó mức học phí vẫn giữ nguyên, phí kí túc giá giảm mức thấp nhất nhằm hỗ trợ cho lưu học sinh theo học tại Trường. Ngoài ra, Trường Đại học Vinh còn có chính sách hỗ trợ khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đời sống văn hóa và hội nhập cho lưu học sinh. Cụ thể:

- Bố trí chỗ ở tại kí túc xá: Lưu học sinh được bố trí ở chung các tòa nhà kí túc với sinh viên Việt Nam theo hình thức mỗi tầng có 2 phòng sinh viên Việt Nam ở đầu và cuối từng tầng. Trong suốt quá trình học tập của lưu học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ được phân công phụ trách quản lý, hỗ trợ học tập và sinh hoạt cho lưu học sinh.

- Học tiếng Việt: Trường Đại học Vinh bố trí sinh viên Việt Nam thông qua Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và các khoa/viện đào tạo bổ trợ kiến thức tiếng Việt cho lưu học sinh ngoài các giờ học tại lớp do Viện Sư phạm xã hội giảng dạy. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trò chơi nhỏ, ...sử dụng hoàn toàn tiếng Việt để tạo cảm hứng học tập cũng như nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh.

- Giao lưu văn hóa: Ngoài các chương trình giao lưu văn hóa tại khoa/viện đào tạo, Trường Đại học Vinh tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, tổ chức Tết Bun-pi-may (Lào) và Songkran (Thái Lan) nhằm tạo sân chơi bổ ích cho lưu học sinh. Hàng năm, Trường Đại học Vinh phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An, các tổ chức hữu nghị và các gia đình tình nguyện để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, homestay (sinh sống cùng gia đình tình nguyện) và tham quan danh thắng tại tỉnh Nghệ An.

Đoàn công tác của Trường Đại học Vinh đã kết thúc thành công chuyến công tác tại nước CHDCND Lào. Trường Đại học Vinh một lần nữa khẳng định vị thế quan trọng của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào, đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế mạnh mẽ bằng những cam kết hỗ trợ thiết thực cho lưu học sinh Lào. Trường Đại học Vinh luôn là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho nước CHDCND Lào anh em mà còn các nước trong khu vực.


Lãnh đạo Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ GD&TT Lào thăm gian hàng của Trường Đại học Vinh

Bài: Nguyễn Hải
Ảnh: Thành Vinh